Những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức đối với Thanh, thiếu niên, nhi đồng
1. Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,
Trẻ con, Tháng 9-1941, sđd, t.3, tr. 203.
... Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”
Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.
Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, tháng 1-1946, sđd, t.4, tr. 167.
... Nay Bác viết mấy chữ, để cám ơn các cháu và khuyên các cháu:
1. Phải siêng học,
2. Phải giữ sạch sẽ,
3. Phải giữ kỷ luật,
4. Phải làm theo đời sống mới,
5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em.
Thư gửi các cháu thiếu nhi, năm 1946, sđd, t.4, tr. 421
... Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.
... mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này:
a) Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).
b) Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được.
c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.
d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.
e) Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
f) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết.
... chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được.
Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn một trăm chương trình to tát mà làm không được.
Thư gửi các bạn thanh niên, ngày 17-8-1947, sđd, t.5, tr. 185-186.
... Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa.
Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả. Nhiều thư của các cháu gửi cho Bác Hồ viết như người lớn viết, đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh.
Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội, chúng đều vui, đều học. Muốn vậy các ban phụ trách nhi đồng cần phải liên lạc với cha mẹ và thầy giáo của nhi đồng.
... Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước.
Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25-8-1950, sđd, t.6, tr. 85.
2. Khuyên thanh niên:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
Làm tặng một đơn vị Thanh niên xung phong, Tháng 9-1950, sđd, t.6, tr.95.
... Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
- Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới...
... Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?
- Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng.
Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.
Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
Nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam,
ngày 19-1-1955, sđd, t.7, tr. 454-455.
... Thanh niên bây giờ là thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người...
Nói chuyện tại Đại hội sinh viên lần thứ hai ngày 7-5-1958, sđd, t.9, tr. 172.
Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.
- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bài nói tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa,
ngày 17-3-1960, sđd, t.10, tr. 106.
... Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo, tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa...
Nói tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam,
ngày 20-12-1961, sđd, t. 10, tr. 489